17/05/2016

Thức ăn chăn nuôi toàn cầu “Phong vũ biểu” của nền kinh tế

Để đáp ứng nhu cầu về thịt, trứng, gia cầm…, trong 5 năm qua, ngành công nghiệp sản xuất thức ăn trên toàn cầu đã phải tăng tốc, tăng cường xây dựng thêm nhà máy, nâng cao năng suất và chất lượng.


Duy trì đà tăng trưởng


Theo báo cáo của Alltech, tổng sản lượng của ngành thức ăn chăn nuôi (TĂCN) trên toàn cầu trong 5 năm qua liên tục tăng trưởng, đạt 995,5 triệu tấn năm 2015, tăng 2% so năm 2014 và tăng 14% so năm 2011; tổng doanh thu đạt 450 tỷ USD tính theo giá trung bình của nguyên liệu.

Ngành công nghiệp sản xuất thức ăn trên toàn cầu liên tục tăng trưởng trong 5 năm qua - Ảnh: Extnsion



Sản lượng thức ăn gia cầm giữ vị trí dẫn đầu với hơn 463 triệu tấn, chiếm 46% thị phần; tiếp đến là thức ăn cho heo với 253 triệu tấn, giảm 2% so năm 2014; thức ăn thủy sản là 35,4 triệu tấn, giảm 5%. Trái lại, sản xuất thức ăn thú nuôi lại tăng 4%, đạt 22,59 triệu tấn; thức ăn gia súc nhai lại cũng tăng 3%, đạt 201,30 triệu tấn.


Danh sách 10 nhà sản xuất TĂCN hàng đầu trên thế giới vẫn không có nhiều thay đổi so những năm trước. Trung Quốc tiếp tục là nhà sản xuất hàng đầu, theo sau là Mỹ, Brazil, Ấn Độ, Mexico, Tây Ban Nha, Nga, Đức, Nhật Bản và Pháp. Một số quốc gia nhỏ hơn như: Thổ Nhĩ Kỳ, Thái Lan, Indonesia, Argentina, Việt Nam và Italy… đã có bước tiến đáng kể trong năng lực sản suất.


Aidan Connolly, Giám đốc phát triển sáng tạo, người chỉ đạo dự án thu thập số liệu TĂCN toàn cầu của Alltech cho biết: “Ngành công nghiệp TĂCN là một “phong vũ biểu” tuyệt vời của nền kinh tế. Dù vậy ngành này vẫn phải trải qua nhiều thăng trầm, ảnh hưởng bởi những yếu tố tích cực lẫn tiêu cực như: Thị trường trầm lắng, chi phí nguyên liệu thức ăn thô tăng cao, những biến động trong tiêu chuẩn xuất nhập khẩu được ban hành ở các nước, dịch bệnh bùng phát ở vật nuôi như PED ở heo và cúm gia cầm…”.



Trung Quốc soán ngôi “vương”


Báo cáo của Alltech cũng cho thấy, trong tổng sản lượng 995 triệu TĂCN được sản xuất trên toàn cầu năm 2015, khu vực châu Á chiếm hơn 1/3 sản lượng. Trung Quốc một lần nữa lại duy trì ngôi vị “quán quân” với sản lượng 179,93 triệu tấn từ 8.550 nhà máy TĂCN trong nước. Tuy nhiên, đây là năm thứ ba liên tiếp nước này báo cáo về sự suy giảm sản lượng và số lượng nhà máy.


Trung Quốc là quốc gia có nhiều tập đoàn sản xuất TĂCN lớn thuộc nhóm 20 tập đoàn lớn nhất thế giới (9/20 tập đoàn) như: New Hope Liuhe, CPP China, Wen's Food Group, East Hope Group, Twins Group... Ngành TĂCN của nước này chủ yếu tập trung vào thức ăn cho lợn, gia cầm và thủy sản.


Không chỉ ở Trung Quốc mà số lượng các nhà máy TĂCN tại Mỹ, Brazil cũng giảm đi đáng kể. Mỹ sản xuất 172,730 triệu tấn thức ăn từ 6.012 nhà máy TĂCN (giảm so 6.718 nhà máy vào năm 2014) và Brazil sản xuất 68,7 triệu tấn từ 1.556 nhà máy TĂCN (giảm so 1.698 nhà máy trong năm 2014).


Ấn Độ đã có một bước tiến ngoạn mục khi vượt qua Mexico để giành lấy vị trí thứ 4 với sản lượng 31,54 triệu tấn, tăng hơn so 29,43 triệu tấn năm 2014. Nhật Bản, một nước có sản lượng TĂCN lớn vẫn duy trì ở vị trí thứ 8 với 24,31 triệu tấn. Indonesia với sản lượng 19,98 triệu tấn năm 2015 đã soán vị trí của Hàn Quốc  (18,58 triệu tấn) để trở thành nước sản xuất TĂCN lớn thứ 12 trên thế giới. Với sản lượng 14,10 triệu tấn, Việt Nam tiếp tục ở vị trí thứ 17 trong số 131 quốc gia sản xuất thức ăn mà Alltech đã thu thập số liệu thống kê.


 
Xu hướng năm 2016


Ngành sản xuất TĂCN trên toàn cầu được dự báo tăng trưởng về sản lượng trong năm 2016 và những năm tiếp theo. Nhiều khả năng, Trung Quốc vẫn tiếp tục là nhà sản xuất TĂCN hàng đầu. Sản xuất thức ăn gia cầm vẫn sẽ chiếm thị phần lớn nhất 45%, thậm chí có thể lên đến gần 50%.


Ngoài ra, Ấn Độ được kỳ vọng sẽ có bước đột phá để vươn lên vị trí thứ 2 trong số các quốc gia sản xuất TĂCN. Việc đầu tư, cải tiến, nâng cao khoa học công nghệ nhằm gia tăng năng suất, sản lượng cũng sẽ là xu hướng chung mà tất cả các nước sản xuất TĂCN trên thế giới quan tâm.


Đối với người tiêu dùng, theo Aidan Connolly, họ ngày càng đặt ra nhiều câu hỏi: “Việc cho vật nuôi ăn có tác động như thế nào đến môi trường và các tài nguyên khác? Làm thế nào để cho vật nuôi ăn lại tạo ra thức ăn bổ dưỡng hơn cho con người? Hay làm thế nào để tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm ngày càng tăng? Những câu hỏi này cũng như nhiều câu hỏi khác tương tự hoàn toàn có thể tìm được “lời giải” thông qua việc tiến hành tìm hiểu về thức ăn vật nuôi được tiêu thụ trên toàn thế giới. Điều này cũng đòi hỏi các nhà sản xuất TĂCN không ngừng nghiên cứu tìm hiểu nhu cầu dinh dưỡng đối với từng vật nuôi; cải tiến, đầu tư và nâng cao chất lượng sản phẩm.


Theo Người Chăn Nuôi

Chia sẻ: